Thứ Ba, 14 tháng 4, 2015

Cây lau sậy có khả năng xử lý nước thải bệnh viện

Tỉnh Bình Phước đang thử nghiệm mô hình xử lý nước thải y tế bằng cây lau sậy , đơn giản vì bộ rễ của cây có khả năng phân hủy chất hữu cơ, lọc chất vi sinh và hấp thụ kim loại nặng.

Khả năng kỳ diệu của cây lau sậy là phân hủy chất hữu cơ do tác động đồng thời của bộ rễ và các vi sinh vật tập trung quanh rễ cây lau sậy đã được người Đức phát hiện từ những năm 60 của thế kỷ trước. Hình thức xử lý nước thải y tế tự nhiên này tiết kiệm chi phí rất nhiều, hiệu quả và đang được nhiều nước áp dụng .


Cây lau sậy phát triển khá tốt tại bệnh viện Nhân ái



Sau khi được UBND TPHCM và Sở Khoa học Công nghệ phê duyệt, năm 2012 dự án xử lý nước thải y tế bằng cây lau sậy của Sở Y tế đã được triển khai tại bệnh viện Nhân Ái đóng trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Đây là bệnh viện chuyên điều trị cho các bệnh nhân nhiễm HIV giai đoạn cuối.

Theo BS Nguyễn Thành Long, Giám đốc bệnh viện Nhân Ái: “Giống cây lau sậy có thân thấp và nhỏ nhưng bộ rễ phát triển rất mạnh nhập về từ Đức. Chuyên gia của nước bạn đã trực tiếp hướng dẫn thiết kế lắp đặt hệ thống cấp thoát nước và kỹ thuật trồng lau sậy trên các ô đất có chứa cát và vật liệu với diện tích 8.000m2.”

“Bước đầu cho thấy, loài cây này thích nghi khá tốt với khí hậu của Bình Phước. Nước thải bệnh viện được xả vào các ô đất để nuôi thân cây, qua kiểm tra cảm quan ban đầu ghi nhận nước thải khi bơm vào các ô đất trồng lau sậy có màu đen, mùi hôi, nhưng khi lọc qua bộ rễ của cây lau sậy nước trở nên trong suốt, không còn mùi. Về mặt cảm quan cho thấy, nước thải sau khi xử lý nước thải y tế qua bộ rễ của cây cho chất lượng rất tốt. Sắp tới, khi cây lau sậy đã phát triển ổn định chúng tôi sẽ lấy mẫu nước mang đi kiểm nghiệm nếu kết quả đạt tiêu chuẩn sẽ chính thức đưa cây lau sậy vào xử lý nước thải của bệnh viện.” BS Thành Long chia sẻ.

Được biết, dự án có tổng kinh phí đầu tư 5 tỷ đồng, Nhân Ái là bệnh viện đầu tiên trên cả nước thí điểm mô hình này. Việc xử lý nước thải y tế bằng cây lau sậy có giá đầu tư rẻ, đơn giản, không cần dùng đến hóa chất, không tốn điện,… Ngành y tế thành phố kỳ vọng nếu dự án thành công sẽ tiếp tục nhân rộng ra các bệnh viện, trung tâm cai nghiện hoặc ứng dụng để xử lý nước thải y tế tại khu dân cư. Tuy nhiên, mô hình này khó có thể ứng dụng tại bệnh viện thuộc khu vực nội thành vì hệ thống xử lý nước thải bằng cây lau sậy chiếm rất nhiều diện tích đất.